Sau khi sáp nhập tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng, khoảng 2.582 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan cấp tỉnh Hải Dương dự kiến sẽ chuyển sang làm việc tại Hải Phòng.
Nội dung Trang
Thông tin được Sở Xây dựng Hải Dương cho biết trong báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, khoảng 1.400 người có nhu cầu di chuyển thường xuyên theo hình thức "sáng đi - tối về" bằng phương tiện công cộng. Hơn 700 người khác dự kiến đi lại không thường xuyên (tối đa 3 lần mỗi tuần).
Để chuẩn bị cho quá trình điều chuyển quy mô lớn này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã đồng ý chủ trương xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ về đi lại, nhà ở và thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Chính sách này do Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh đề xuất.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh phối hợp với UBND TP Hải Phòng khẩn trương xây dựng chính sách phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách đặc thù hiện hành để đề xuất điều chỉnh phù hợp thực tiễn sau khi hợp nhất.
Trước đó, ngày 8/5, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh đã có báo cáo đề xuất về việc xây dựng cơ chế hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập. Mục tiêu nhằm giảm bớt khó khăn, ổn định tâm lý, tạo điều kiện để lực lượng này yên tâm công tác tại TP Hải Phòng.
Việc hợp nhất tỉnh Hải Dương vào TP Hải Phòng là một phần trong chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, hướng tới tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả điều hành và khai thác tiềm năng phát triển vùng.