Tại phiên họp, lãnh đạo UBND huyện đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn tại nguồn năm 2025. Theo đó, UBND huyện đề ra các chỉ tiêu thực hiện như:
- 100% số hộ dân trên địa bàn huyện được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác sinh hoạt; có 100% thôn, khu dân cư thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 3 nhóm và chuyển giao cho đơn vị thu gom xử lý đảm bảo đúng quy định.
- 100% các tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn theo Luật BVMT 2020.
- Đến hết năm 2025, 100% chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại hộ gia đình được thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo đúng quy định.
Về phương pháp phân loại:
Tuyên truyền, vận động nhân dân tự trang bị thùng có nắp đậy, bao bì chứa để phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình, cá nhân yêu cầu phải được phân loại thành 03 nhóm (Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác) cụ thể việc phân loại như sau:
- Nhóm 1: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế
Là các loại chất thải có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc qua xử lý thành các sản phẩm mới có thể sử dụng được (không dính thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại)
Thu gom chất thải tái chế, tái sử dụng được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế hoặc chuyển vào “ngôi nhà xanh" tại thôn, khu dân cư.
- Nhóm 2: Chất thải thực phẩm
Là thức ăn thừa; Thực phẩm hết hạn sử dụng; Các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn,…; Các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.
Sau khi phân loại, chất thải thực phẩm được thu gom và xử lý bằng các hình thức sau:
+ Hình thức ủ mùn tập trung: chất thải rắn được Tổ vệ sinh môi trường của thôn, xã vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ dân đến khu vực hố ủ tập trung của xã, thị trấn và được xử lý bằng men vi sinh.... Quy trình ủ được hướng dẫn tại Hướng dẫn số 592/HD-SNN ngày 26/3/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kỹ thuật ủ mùn compost từ chất thải rắn sinh hoạt tại các ô ủ tập trung.
+ Hình thức ủ tại hộ gia đình: Khuyến khích các hộ gia đình tự ủ, xử lý bằng các men vi sinh tại gia đình, hoặc nhóm gia đình (men vi sinh Trichodema, men vi sinh khác…) chất mùn sau khi ủ được sử dụng cho cây trồng, cải tạo đất... tại gia đình.
+ Máy phân huỷ rác hữu cơ tự động: thí điểm trước tiên tại xã Kim Liên, sau đó tham mưu đề xuất nhân rộng nếu đủ điều kiện cho phép (kinh phí mua sắm, nhân lực vận hành, mức phí thu gom tại địa phương…).
- Nhóm 3: Chất thải rắn sinh hoạt khác
+ Đối với chất thải cồng kềnh (Tủ, bàn ghế, sofa, giường, các loại cây thân gỗ…): Thu gọn, giảm kích thước, thể tích vận chuyển đến bãi chôn lấp hoặc điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt để vận chuyển về nhà máy xử lý. Một số trường hợp chất thải không thể thu gọn lại được, người dân (chủ nguồn thải) sẽ phải trả phí vận chuyển cho đơn vị thu gom.
+ Đối với chất thải nguy hại (pin, bóng đèn, mực thải…): để xa tầm tay trẻ em và vận chuyển đến nơi thu gom và UBND các xã, thị trấn ký hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển theo quy định.
+ Đối với chất thải khác còn lại (Tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, Giày, dép,…): Thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải rắn hiện có để xử lý hoặc các điểm tập kết để vận chuyển xử lý tại nhà máy xử lý theo quy định.
Để thực hiện tốt các nội dung trong kế hoạch, UBND huyện giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, UBND các, xã, thị trấn để triển khai thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để thực hiện có hiệu quả việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Cũng trong phiên họp, lãnh đạo UBND huyện đã nghe và cho ý kiến vào chủ trương đầu tư dự án Cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và chất đốt của hộ kinh doanh Nguyễn Mai Chi, địa chỉ thực hiện dự án: thôn Vũ Xá, xã Vũ Dũng, huyện Kim Thành.