Đây là những sự kiện được địa phương phối hợp cùng các sở, ngành trong tỉnh và các đơn vị tổ chức nhằm đẩy mạnh kết nối quảng bá, tiêu thụ loại quả đặc sản này đến thị trường trong nước và quốc tế.
Kích cầu tiêu thụ
Thông tin từ UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện sẽ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và một số sở, ngành trong tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà với tham tán thương mại và doanh nghiệp nước ngoài.
Hội nghị sẽ được tổ chức vào sáng 30/5 nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu vải thiều Thanh Hà, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời tăng cường tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng, mở rộng thị trường đã có thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu về thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu của thị trường nước ngoài để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh.

Do thời tiết thuận lợi nên năm nay vải thiều Thanh Hà được mùa hơn năm trước.
Đây cũng là dịp nhằm giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về vải thiều Thanh Hà và các loại hàng hóa, nông sản của tỉnh Hải Dương, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.
Dự kiến hội nghị sẽ có 60 đại biểu nước ngoài tại 20 điểm cầu; 150 đại biểu tỉnh; 70 đại biểu đại diện các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh, sàn thương mại điện tử; đại diện một số hợp tác xã, hiệp hội, cơ sở sản xuất vải, nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế và các phóng viên báo, đài truyền hình Trung ương, địa phương…
Cũng theo kế hoạch của địa phương, vào sáng sớm ngày 30/5, các đơn vị tổ chức Lễ mở vườn vải thu hoạch tại thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang và Cắt băng xuất khẩu vải thiều tại quảng trường Thanh Bình ở thị trấn Thanh Hà.
Vươn sang thị trường các nước
Toàn huyện Thanh Hà hiện có hơn 3.280 ha vải thiều, sản lượng năm nay dự kiến đạt khoảng 35.000 tấn. Vùng vải tại các xã Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Xá, Thanh Sơn... đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ và xuất khẩu.
Là đặc sản tiêu biểu, vải thiều Thanh Hà không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn vươn sang thị trường các nước như Nhật Bản, EU, Mỹ... Đến nay, quả vải thiều được nhiều xã trong huyện, chủ thể là cá nhân lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).

Sản lượng vải thiều của huyện Thanh Hà năm 2025 dự kiến đạt khoảng 35.000 tấn.
Toàn huyện đến nay duy trì 167 mã số vùng vải đủ điều kiện xuất khẩu, 7 cơ sở đóng gói với 20 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép. Hiện có hơn 200 ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP được tỉnh hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận, hỗ trợ phân bón hữu cơ sinh học…
Ngoài ra, trên địa bàn Thanh Hà, các xã khu Hà Đông, Hà Nam được quy hoạch vùng vải tập trung, trong đó khu Hà Đông chuyên trồng vải sớm, Hà Nam, Hà Bắc, Hà Tây chuyên trồng vải thiều chính vụ.
Đến nay, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” và nhiều danh hiệu uy tín khác như “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”, giải thưởng “Thương hiệu vàng”, chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”, Top 10 Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng, Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam…
Du khách đến trải nghiệm mùa vải chín ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh tư liệu.
Cũng theo dự kiến của địa phương, trong mùa vụ vải thiều năm nay, trên địa bàn sẽ tổ chức một số tour du lịch tham quan các di tích trên địa bàn huyện như chùa Minh Khánh, chùa Bạch Hào, tham quan địa điểm cây vải Tổ, múa rối nước xã Thanh Hải... và các tiểu vùng du lịch kết nối du lịch sinh thái Đồng Mẩn, sông Hương.
Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 8.800 ha vải, riêng huyện Thanh Hà có hơn 3.280 ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng vải toàn tỉnh năm nay ước đạt 65.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm trước.
Từ đầu mùa vụ, ngành Nông nghiệp Hải Dương đã phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải, bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng cao.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, tỉnh Hải Dương kỳ vọng vải thiều năm nay tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.