Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc, Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai tại các công trình xây dựng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho thiết bị, máy móc, phương tiện thi công của các chủ thể; trong đó đặc biệt lưu ý đến các công trình được xây dựng tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, các khu vực có địa hình đồi núi, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục các hạn chế, đảm bảo an toàn cho người và công trình; Đình chỉ việc xây dựng công trình có dấu hiệu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại cho người và tài sản; Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch để hạn chế xảy ra sạt lở, đồng thời bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cho các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án hạ tầng giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép theo quy định của pháp luật.
Các Tổng công ty, doanh nghiệp, Ban Quản lý dự án thuộc Bộ chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và chủ thể tham gia hoạt động xây dựng tại các công trình thuộc phạm vi quản lý tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình đang thi công, kiểm tra việc đảm bảo an toàn cho thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, đặc biệt tại những khu vực có địa hình đồi núi, các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối. Lập phương án ứng phó khẩn cấp đối với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận; Thực hiện gia cố, chống sạt lở tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong những ngày mưa lũ, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết và chủ động kế hoạch ứng phó; dừng thi công tại các vị trí nguy hiểm khi có mưa lớn kéo dài hoặc có cảnh báo thiên tai cấp cao. Kiểm soát chặt chẽ việc ra vào công trường, di dời người và thiết bị khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết;
Đồng thời tăng cường công tác huấn luyện, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của người lao động về các biện pháp đảm bảo an toàn, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, vật tư để xử lý tình huống khẩn cấp; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, kịp thời cập nhật thông tin và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn theo chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Báo cáo kịp thời các sự cố công trình, sự cố mất an toàn trong thi công xây dựng, sự cố do thiên tai (nếu có) về Bộ Xây dựng để tổng hợp và chỉ đạo xử lý.
congdien17.pdf