Theo đó, để chủ động các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chủ động phòng tránh nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết cuối năm 2024 và đầu năm 2025 liên quan tới sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo các phòng/đơn vị chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý. Hướng dẫn các cơ sở, vùng trồng/nuôi thực hiện nghiêm túc quy định về ATTP. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thu mua, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ hoạt động sơ chế, chế biến suất ăn cho các bếp ăn tập thể, các nhà hàng, hội nghị tập trung đông người,…thực hiện tốt việc kiểm soát, lựa chọn thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, đánh giá nguy cơ và thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc khi có sự cố về an toàn thực phẩm. Hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng nguyên liệu thực phẩm an toàn, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời phối hợp với phòng/đơn vị chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa sự cố về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Chú trọng kiểm soát việc sử dụng các loại hoá chất, phụ gia tại các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các chất kích thích tăng trưởng đối với vùng trồng/nuôi. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương vận động, tạo điều kiện để người dân cùng tham gia giám sát ATTP tại cơ sở. Tổ chức các kênh thu thập thông tin, giám sát hoạt động của các cơ sở nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm, xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP; Tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, sơ chế, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn.
Các phòng, đơn vị liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo ATTP đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc nông, lâm, thủy sản; thực phẩm tươi sống, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt, …không để xảy ra việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm, nguyên liệu thuộc thẩm quyền quản lý. Tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ và hậu kiểm đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm tươi sống và các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản có sản lượng lớn cung ứng ra thị trường, các chợ đầu mối, phục vụ Tết, Lễ hội, nơi tập trung đông người … nhằm ngăn chặn sự cố ngộ độc thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các phòng, đơn vị thuộc Sở Y tế, Công Thương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện chương trình giám sát, đánh giá nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý sự cố về ATTP trong lĩnh vực và phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát, ngăn ngừa sự cố về ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Chú trọng kiểm soát việc sử dụng các loại hoá chất, phụ gia tại các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các chất kích thích tăng trưởng đối với vùng trồng/nuôi. Thường xuyên thông tin về kết quả giám sát, xử lý vi phạm trên trang tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về ATTP; tuân thủ nghiêm quy trình trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức ATTP cho người lao động. Cung cấp kịp thời thông tin về phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt chú ý nghiêm cấm các hành vi sử dụng hóa chất cấm; phụ gia, các chất kích thích, tăng trưởng ngoài danh mục cho phép; sử dụng phụ hoa, hóa chất không đúng đối tượng sử dụng… Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về ngộ độc thực phẩm. Chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm khi để sự cố ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản do đơn vị sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định.
31.12.24 CV.SNN - NGAN NGUA NGO DOC THUC PHAM.pdf