Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID19 và dịch bệnh mùa mưa bão

Sở Y tế vừa ban hành công văn đề nghị các đơn vị trong ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID19 và dịch bệnh mùa mưa bão.

Theo đó, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh mùa mưa bão, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin, truyền thông kịp thời thông tin, cảnh báo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo nguyên tắc “lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu".

Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; triển khai quyềt liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao (Dại, cúm A(H5NI), Sốt xuất huyết, COVID-19, Tay chân miệng, Sởi, Ho gà, Bạch hầu...). Phối hợp chặt chẽ với tuyến trên như Viện Vệ sinh dịch tễ, Cục Phòng bệnh chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Thực hiện rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mặc bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch. 

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người bệnh điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...).  Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra yếu tố dịch tễ các trường hợp nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh; cung cấp kịp thời thông tin các ca bệnh truyền nhiễm, những dấu hiệu bất thường của dịch bệnh, phát hiện sớm sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm nhất là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh đau mắt đỏ sau các đợt mưa bão, ngập lụt cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.  

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên rà soát, tham mưu cho UBND cấp huyện đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ. Chỉ đạo Trạm y tế các xã, phường, thị trấn tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp trạm y tế triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức đợt chiến dịch cao điểm tháng 6-7 năm 2025 triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và các dịch bệnh có thể xảy ra trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt (đau mắt đỏ, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.... ); huy động sự tham gia của cộng đồng và toàn xã hội trong việc loại bỏ, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, đậy nắp, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước sạch nhằm diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn… để phòng chống bệnh sốt xuất huyết; hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học thường xuyên vệ sinh vệ sinh tay cho trẻ nhỏ để phòng bệnh tay chân miệng; tuyên truyền tới từng hộ gia đình việc sử dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết để phòng chống bệnh COVID-19; và tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường ngay sau các đợt mưa bão, ngập lụt để phòng chống dịch bệnh.

SYT_CV tang cuong phong chong SXH_ tay chan mieng_ Covid va dich benh mua mua bao.pdf