Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao được điều chỉnh theo hướng tăng thẩm quyền.
Nội dung Trang
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 12.5, Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trên cơ sở mô hình tổ chức Tòa án nhân dân 3 cấp, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí, nội dung cơ bản của dự án luật là sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao (TAND).
Theo đó, đối với TAND khu vực, dự án luật điều chỉnh tăng thẩm quyền theo hướng TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 31 Luật Tố tụng hành chính);
Giải quyết phá sản (Điều 8 Luật Phá sản); tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).
"Việc điều chỉnh tăng thẩm quyền này đã được Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao báo cáo tại Đề án số 04-ĐA/ĐU ngày 28.3.2025 và đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua theo Kết luận số 135-KL/TW ngày 28.3.2025 về Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu.
Đối với TAND cấp tỉnh, dự án luật quy định cấp tòa án này có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo dự án luật, TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại.
Dự án luật cũng quy định, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị.
Theo cơ quan soạn thảo, việc điều chỉnh thẩm quyền nêu trên của TAND tối cao được thực hiện trên cơ sở kết thúc hoạt động của 3 TAND cấp cao; chuyển nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh cho TAND tối cao.
Thẩm tra dự án luật trên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản nhất trí quy định về thẩm quyền của các TAND và Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm theo tờ trình.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc phân định lại thẩm quyền nêu trên cơ bản phù hợp với mô hình TAND 3 cấp và chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong ngành TAND, bảo đảm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, yêu cầu phá sản đều được giải quyết từ cơ sở (TAND khu vực).
Đồng thời, TAND cấp tỉnh chủ yếu thực hiện vai trò là Tòa án cấp phúc thẩm xét xử các vụ án mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng cáo, kháng nghị. Quy định của dự thảo Luật về cơ bản bảo đảm tính khả thi.