Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương, năm 2025, toàn tỉnh
có 8.800ha vải (huyện Thanh Hà hơn 3.200ha; thành phố Chí Linh 3.400ha; các huyện,
thành phố, thị xã khác hơn 2.100ha). Trong đó, trà vải sớm hơn 2.800ha (chiếm
32,4%), trà vải chính vụ hơn 5.800ha (chiếm 67,6%).
Thời gian thu hoạch trà vải sớm khoảng 20/5 - 10/6 (tập
trung từ 25/5 - 5/6). Trà vải chính vụ thu hoạch từ 10/6 đến hết tháng 6 (tập
trung từ 15 - 25/6). Do thời tiết thuận lợi nên tổng sản lượng vải dự kiến đạt
khoảng 65.000 tấn, cao hơn năm trước khoảng 10.000 tấn (năm 2024 đạt 55.000 tấn).
Riêng sản lượng vải của
huyện
Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 38.000 tấn (cao hơn năm trước khoảng
13.000 tấn).
Hiện nay, cơ bản các diện tích vải của Hải Dương đều được sản
xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, 12 vùng đã được chứng nhận
GlobalGAP,
56 vùng được chứng nhận VietGAP. Tổng diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn
VietGAP, GlobalGAP là 721ha. Toàn tỉnh được cấp 198 mã số vùng trồng, 16 mã số
cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu.
Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi
trường Hải Dương, ngay từ đầu vụ, Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh
phối hợp với cơ quan chuyên môn của các huyện, địa phương tổ chức nhiều lớp tập
huấn kỹ thuật sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn xuất
khẩu.
Thông qua các lớp tập huấn và phương tiện truyền thông, Chi
cục đã phổ biến quy định của các nước nhập khẩu đối với quả vải tươi của Việt
Nam; quy định về kiểm dịch thực vật; biện pháp phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử
dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; ghi chép nhật
ký sản xuất... Bên cạnh đó, tăng cường tần suất kiểm tra, lấy mẫu để phân tích
dư lượng thuốc BVTV trong quả vải nhằm kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi
xuất khẩu...