
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 20 văn bản gồm các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, công điện… với nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Đến nay cả nước có 10 địa phương đã đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của địa phương; 30 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Dương
Các địa phương đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô 9.737 ha đất làm nhà ở xã hội. Hầu hết các địa phương đều dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương đã quan tâm, dành quỹ đất nhà ở xã hội tại các vị trí thuận lợi, gần trung tâm đô thị, khu công nghiệp, đảm bảo đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương,... Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 593.428 căn; có 103 dự án với quy mô 66.755 căn đã hoàn thành. Riêng trong năm 2024 có 28 dự án/20.284 căn đã hoàn thành; 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng; chấp thuận chủ trương đầu tư 113 dự án/142.450 căn; 26 dự án với quy mô 27.819 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng. Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với số lượng phải hoàn thành giai đoạn 2025 - 2030 là 995.445 căn hộ. Trong đó mục tiêu năm 2025 là xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nêu các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong đó, đại biểu đề nghị tăng cường tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính; công tác quy hoạch, đất đai; tăng cường sự phối hợp giữa các ngân hàng trong giải ngân vốn cho dự án nhà ở xã hội; thí điểm cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở xã hội…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương rất rõ của Đảng, Nhà nước ta là phát triển nhanh nhưng bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; con người có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó gồm quyền có chỗ ở.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng đánh giá cao các báo cáo của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương về thực trạng, kết quả thực hiện, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kinh nghiệm trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; các ý kiến rất thẳng thắn, sát với tình hình thực tế, thiết thực, các giải pháp đưa ra rất cụ thể, khả thi.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, rà soát lại thể chế, quy trình, thủ tục vướng mắc ở điểm nào, ai giải quyết, làm trong bao lâu, khi nào có kết quả; vướng mắc tại các luật, nghị định, thông tư thì cơ quan nào phải sửa và đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội. Về quy hoạch, các địa phương phải quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhà ở xã hội phù hợp, chậm nhất trong quý II phải xong, nếu vướng mắc thì đề xuất. Các địa phương có kế hoạch, chủ động giao đất cho các chủ đầu tư; nghiên cứu thu hồi các dự án lãng phí, khu đất bỏ hoang nhiều năm; giải quyết, bố trí quỹ đất đầy đủ, nhanh cho chủ đầu tư; giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương phải phát triển đồng bộ hạ tầng, đáp ứng yêu cầu.