Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Phiên họp thứ Bảy Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày 2/2, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ Bảy Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2024. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hải Dương, có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương 

Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đồng bộ trên các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, quy trình, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Công tác cải cách TTHC được chú trọng, quan tâm. Trong năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quyết định kinh doanh (QĐKD) thuộc phạm vi quản lý của 5 bộ, cơ quan. Các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 628 QĐKD tại 53 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nâng tổng số QĐKD được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 QĐKD tại 224 VBQPPL, đạt 17,53%. Có 9 bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa 147 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, nâng tổng số TTHC được thực thi phương án đến nay là 535/1.086 TTHC, đạt 49.26%; có 5 bộ, ngành đã hoàn thành thực thi 100% phương án đơn giản hóa TTHC…

Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG); tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 4.585 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng DVCQG; trên 276 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 33 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng DVCQG.​


Kết quả thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVCQG của các bộ, ngành, địa phương được đánh giá theo Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023 đều có sự cải thiện đáng kể so với năm 2022, trong đó có 8 địa phương đạt điểm đánh giá tốt (Hà Nam, Bình Định, Cà Mau, Bắc Giang, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định).

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính thời gian qua, đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung trong công tác cải cách hành chính của cả nước. Thủ tướng khẳng định: Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng công tác cải cách thủ tục hành chính đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo ra những giá trị mới, động lực mới và khí thế mới. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; cơ chế chính sách trong một số lĩnh vực vẫn chưa đầy đủ, chồng chéo; thủ tục hành chính của một số bộ, ngành, lĩnh vực chưa thuận lợi; bộ máy hành chính còn cồng kềnh, kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc còn yếu; cải cách tài chính công chưa hiệu quả, xây dựng chính phủ điện tử còn nhiều khó khăn thách thức...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu những tồn tại, hạn chế đó cần sớm khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến trình về cải cách hành chính, góp phần khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay. Đẩy mạnh thực hiện toàn diện 6 nội dung cải cách hành chính, trọng tâm là lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể; đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển. Trong đó tập trung tháo gỡ về mặt thể chế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; tập trung tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách tài chính công, tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên, chống tiêu cực, tham nhũng; tập đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, chính quyền số, công dân số... Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, căn cứ vào thực tiễn của đơn vị, địa phương mình đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát.